|
Các cấp Hội tích cực vận động hội viên tham gia bảo vệ môi trường. |
Những năm qua, việc chú trọng tập trung phát triển kinh tế tại địa phương đã góp phần hình thành các gia trại, trang trại chăn nuôi gia súc, gia cầm tập trung với số lượng lớn, có gia đình nuôi hàng trăm, hoặc hàng nghìn con gia súc, gia cầm nhưng hầu hết chưa giải quyết được nguồn phân và nước tiểu của số vật nuôi này. Từ đó, các hóa chất, chất thải trong chăn nuôi tại các làng nghề, khu công nghiệp, chăn nuôi gia trại dẫn tới hàm lượng các kim loại nặng, hóa chất, chất thải chăn nuôi gia tăng đáng kể.
Cùng với đó, trong trồng trọt, việc sử dụng ngày càng tăng thuốc bảo vệ thực vật và phân bón hóa học đang ảnh hưởng không nhỏ tới môi trường đất, nước. Công tác thu gom, xử lý bao bì, chai lọ chứa hóa chất bảo vệ thực vật cũng gặp rất nhiều khó khăn. Thực tế cho thấy, các loại chất thải này thường bị vứt bừa bãi trên đồng ruộng hoặc nguy hiểm hơn có trường hợp vứt ngay đầu nguồn nước sinh hoạt. Mặc dù, một số địa phương đã có kế hoạch thu gom xử lý nhưng việc triển khai chưa phát huy hiệu quả do hạn chế về nguồn nhân lực và kinh phí thực hiện.
Bên cạnh đó, tại Thái Bình công tác quản lý vệ sinh môi trường ở các làng nghề, khu công nghiệp còn gây ra nhiều vấn đề bức xúc từ sự ô nhiễm không khí và nước thải đang tăng dần. Trong khi, vấn đề thu gom, xử lý chất thải rắn từ các khu công nghiệp, làng nghề cũng chưa có những giải pháp phù hợp và hiệu quả. Tình trạng chất thải sản xuất được thu gom chung với rác thải sinh hoạt còn khá phổ biến. Mặc dù, một số làng nghề bước đầu đã thực hiện phân loại để tái sử dụng làm nguyên nhiên liệu, phần còn lại được thu gom tập trung, chuyển đi chôn lấp hoặc xử lý theo phương pháp đốt lộ thiên và đốt thủ công.
Một số làng nghề sản xuất gạch gốm, cơ khí cũng đã nghiên cứu áp dụng thử nghiệm quy trình sản xuất sạch hơn mang lại hiệu quả về kinh tế và giảm lượng khí thải, rác phát sinh... Tuy nhiên, việc triển khai nhân rộng các mô hình cũng còn gặp nhiều khó khăn. Hầu hết các làng nghề hiện nay sản xuất tự phát, mạnh ai nấy làm nên vô tư xả chất thải sản xuất chưa qua xử lý ra môi trường khiến đất đai, nguồn nước và không khí bị ô nhiễm nặng nề, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe người dân.
Để khắc phục thực trạng về môi trường ô nhiễm trên, hàng năm Ban Thường vụ Hội Nông dân tỉnh đã chỉ đạo Hội Nông dân huyện, thành phố làm tốt công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về công tác môi trường. Theo đó, Hội Nông dân các cấp luôn chủ động phối hợp duy trì và nhân rộng các mô hình bảo vệ môi trường, xây dựng và nhân rộng mô hình điểm "Khu dân cư tự quản bảo vệ môi trường", "Khu dân cư không vi phạm Luật Bảo vệ môi trường", "Chống rác thải nhựa".
Trong xây dựng nông thôn mới, các cấp Hội ND trong tỉnh từng bước khẳng định vai trò trung tâm, nòng cốt, tổ chức thực hiện có hiệu quả phong trào “Nông dân tham gia xây dựng nông thôn mới” bằng các hoạt động cụ thể như: Tích cực tuyên truyền, phổ biến sâu rộng về chương trình, mục tiêu, các tiêu chí xây dựng nông thôn mới; vận động cán bộ, hội viên hiến hàng triệu mét vuông đất và đóng góp trên 2.000 tỷ đồng, gần 2 triệu ngày công lao động để tham gia xây dựng các công trình hạ tầng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội nông thôn; vận động hội viên, nông dân tích cực tham gia bảo vệ môi trường, thành lập và duy trì các tổ vệ sinh môi trường ở khu vực nông thôn, tham gia xây dựng khu dân cư xanh - sạch - đẹp; tập trung xây dựng tổ chức hội cơ sở vững mạnh.
Các cấp hội đã tích cực tuyên truyền, phổ biến kiến thức và tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, chủ trương, chính sách của tỉnh về công tác quốc phòng, an ninh. Đặc biệt, trong những năm qua, với những cống hiến của lớp lớp thế hệ nông dân trên địa bàn tỉnh đã góp phần đưa Thái Bình trở thành 1 trong 3 tỉnh đầu tiên của cả nước hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới. Đặc biệt, Hội Nông dân tỉnh Thái Bình đã xây dựng các mô hình điểm để nhân rộng trong công tác bảo vệ môi trường. Trong đó có xã Vũ Trung, huyện Kiến Xương cách thành phố Thái Bình 15 km.
Là một xã nông nghiệp, Vũ Trung vốn có truyền thống chăn nuôi gia cầm, thủy sản, đặc biệt là chăn nuôi lợn với số lượng lớn nên số lượng rác thải và nước thải ở khu vực trong xã là rất lớn, nhất là khi thời tiết nắng nóng và ách tắc cục bộ lúc trời mưa. Tại các hộ chăn nuôi của thôn, nước thải, chất thải lỏng thường xả thẳng ra các cống rãnh khiến nguồn nước chuyển màu đen đặc, bốc mùi nồng nặc trong khi thôn chưa có hệ thống thoát nước thải đồng bộ.
Từ những thực tế trên của xã Vũ Trung, Hội Nông dân tỉnh Thái Bình đã triển khai dự án xây dựng mô hình điểm “Hội Nông dân xây dựng hệ thống thoát nước thải trong chăn nuôi gia trại gắn với bảo vệ môi trường nông thôn”. Theo đó, mô hình đã xây dựng 200m hệ thống thoát nước thải. Đồng thời, Hội Nông dân tỉnh đã chỉ đạo, hướng dẫn Hội Nông dân huyện Kiến Xương, Hội Nông dân xã Vũ Trung thành lập 01 câu lạc bộ, các thôn đều có các thành viên tham gia sinh hoạt để tập huấn kỹ thuật thực hiện mô hình, các phương thức bảo quản mô hình, quản lý nguồn rác, thu gom xử lý chất thải, rác thải gia đình và nơi đổ rác, hướng dẫn giúp đỡ, hỗ trợ tài liệu, xây dựng mô hình điểm.
Hội Nông dân xã Vũ Trung cũng đã phối hợp tuyên truyền trên đài phát thanh của xã 02 tuần/lần với nội dung tuyên truyền vận động các chủ trương đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về công tác bảo vệ môi trường, sử dụng nước sạch, những kiến thức cơ bản về phân loại rác tại nguồn, xử lý chất thải, rác thải, nâng cao nhận thức cho người dân cộng đồng dân cư bảo vệ môi trường; tổ chức phong trào thi đua ở mỗi tổ, câu lạc bộ tự quản về môi trường hàng tuần, hàng tháng, nhằm thu gom dọn vệ sinh đường làng, ngõ hẻm, khơi thông cống rãnh; hướng dẫn xây dựng hương ước, giao ước thi đua trong công tác bảo vệ môi trường nông thôn nơi triển khai dự án…
Với việc xây dựng triển khai các hoạt động cụ thể từ mô hình ở xã Vũ Trung đã cho kết quả hạn chế ô nhiễm môi trường, nâng cao kiến thức phân loại rác thải tại nguồn, nhận thức về rác thải, vệ sinh, môi trường cho hội viên, nông dân. Môi trường trong thôn, xã đã trở lại trong sạch, góp phần tích cực trong việc bảo vệ sức khoẻ cho nhân dân, với môi trường thân thiện hơn. Từ thành công mô hình điểm này, Hội Nông dân tỉnh Thái Bình đã có kế hoạch nhân điểm để qua đó xây dựng nông thôn mới ngày càng văn minh, sạch đẹp.
Nhiều năm nay, nhân dân xã Quỳnh Bảo (huyện Quỳnh Phụ) đã quen với tiếng gọi của thành viên các tổ thu gom rác thải trong thôn. Trong bức tranh nông thôn mới ở Quỳnh Bảo, người dân dần quen với việc chủ động phân loại rác thải rắn, rác thải vô cơ, hữu cơ.
Các hộ gia đình ở xã Quỳnh Bảo cũng thường xuyên hưởng ứng phong trào 5 không 3 sạch, tích cực bảo vệ môi trường trong xây dựng nông thôn mới.
Bà Bùi Thị Sự xã Quỳnh Bảo cho hay: “Trước đây khi chưa có tổ thu gom rác chúng tôi thường phân loại rác hữu cơ thì dồn vào một góc hoặc gốc cây, rác vô cơ thì đốt việc làm ấy rất ô nhiễm, mùi cháy khét do chất vô cơ là rác thải nhựa. Từ khi có tổ thu gom rác đã giải quyết rác thải trong gia đình rất thuận tiện cho đời sống”.
Có được thành quả trên là nhờ công tác tuyên truyền bằng nhiều hình thức, hướng dẫn nhân dân giữ gìn nếp sống, ăn, ở hợp vệ sinh, bảo vệ môi trường từ gia đình đến các ngõ xóm.
Quỳnh Bảo đã phát động mạnh mẽ phong trào thi đua bảo vệ môi trường trong các đoàn thể, tổ chức tốt các đợt ra quân thu gom rác thải. Từ đó nâng cao nhận thức của nhân dân về bảo vệ môi trường và hoàn thành tốt tiêu chí về môi trường trong xây dựng nông thôn mới nâng cao.
Ngoài kinh phí do xã đầu tư để mua sắm phương tiện thu gom rác thải, các hộ gia đình đều đồng thuận đóng góp kinh phí duy trì hoạt động của các tổ thu gom rác thải ở các thôn.
Nhờ vậy, chỉ sau 4 năm hoàn thành 19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới, đến nay, Quỳnh Bảo cũng đã cơ bản hoàn thành các tiêu chí nông thôn mới nâng cao.
Ông Nguyễn Duy Đằng – Chủ tịch UBND xã Quỳnh Bảo (huyện Quỳnh Phụ, tỉnh Thái Bình) cho biết: “Xác định tiêu chí môi trường trong xây dựng nông thôn mới nâng cao có ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống dân sinh nên xã đã phát động các phòng trào bảo vệ môi trường trong xây dựng nông thôn mới nâng cao.
Việc phát động được lan tỏa đến toàn thể các ban ngành, đoàn thể cùng nhân dân. Hiện có 4 tổ thu gom rác ở 4 thôn, việc thu gom rác được duy trì đều. Xã cũng trích kinh phí, xã hội hóa mua thùng đựng rác để ở các nơi công cộng, bể đựng rác bao bì thuốc bảo vệ thực vật được đặt ở cánh đồng xã thuận tiện cho việc thu gom”.
Công tác bảo vệ môi trường ở Quỳnh Bảo, luôn có sự chủ động phối hợp của các ban ngành đoàn thể trong xã và các cơ sở thôn. Đều đặn vào ngày 24 hàng tháng, đoàn viên, hội viên các đoàn thể và nhân dân lại ra quân vệ sinh môi trường trên các trục đường xã, đường thôn, thu gom vỏ bao bì thuốc bảo vệ thực vật trên cánh đồng về 50 bể chứa.
Quỳnh Bảo cũng đầu tư kinh phí trang bị thùng đựng rác công cộng. Cứ 7 hộ dân có 1 thùng đựng rác. Ông Nguyễn Hữu Đương, Chủ tịch Hội Nông dân xã Quỳnh Bảo cho biết thêm. “Cứ đều đặn đoàn thể và nhân dân lại ra quân thu gom rác thải dọn dẹp vệ sinh đường làng ngõ xóm khu dân cư. Trong các hội nghị các ban ngành đoàn thể cũng luôn tuyên truyền cho các hội viên về việc bảo vệ môi trường ngay trong chính hộ gia đình của mình, phát động mỗi gia đình có ít nhất 2 thùng đựng rác hữu cơ và vô cơ”.
Môi trường sạch đẹp, không khí trong lành, diện mạo nông thôn thay đổi, nhân dân chính là người được hưởng lợi.
Bà Vũ Thị Thúy người dân xã Quỳnh Bảo phấn khởi nói: “Trước đây xã chưa về đích nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao công tác vệ sinh môi trường chưa được người dân quan tâm, từ khi xã về đích nông thôn mới chúng tôi rất phấn khởi luôn tự bảo với bản thân là luôn phải bảo vệ môi trường cho gia đình cũng như cộng đồng.
Xã đã đạt nông thôn mới nâng cao môi trường đã xanh – sạch – đẹp thế này nhân dân chúng tôi quyết tâm cùng với địa phương phấn đấu về đích nông thôn mới kiểu mẫu để nâng cao các tiêu chí để hưởng lợi cho chính bản thân mình, gia đình và cộng cồng”.
Dù đã hoàn thành 11/11 tiêu chí trong xây dựng nông thôn mới nâng cao, nhưng với việc xác định: xây dựng nông thôn mới chỉ có điểm khởi đầu, không có điểm kết thúc, xã Quỳnh Bảo quyết tâm tiếp tục nâng cao. Địa phương sẽ nâng cao chất lượng các tiêu chí, hướng tới xây dựng Quỳnh Bảo thành xã nông thôn mới kiểu mẫu.
Thời gian tới, các cấp Hội tiếp tục đẩy mạnh việc tuyên truyền, vận động hội viên, nông dân nâng cao nhận thức, chấp hành các chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước về công tác bảo vệ môi trường. Hội sẽ quan tâm, tiếp tục nhân rộng các mô hình hiệu quả; phối hợp với ngành chức năng thực hiện các giải pháp cụ thể nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu như: Tăng cường công tác bảo vệ rừng, trồng rừng và phủ xanh đất trống; vận động bà con không đốt rẫy, đốt rừng để làm nương; khoanh vùng khu chăn nuôi theo hướng chuỗi liên kết, khép kín để hạn chế tình trạng xả thải gây ô nhiễm môi trường nông thôn…